Mèo và chó là loại vật nuôi thông dụng nhất trên thế giới. Cả hai loài này đều rất khôn, có những gắn bó với con người. Và là một người chủ, hẳn chúng ta đều muốn có thể có những giao tiếp nhất định với vật nuôi của mình. So với chó, mèo có vẻ là loài lạnh lùng hơn nên làm sao để huấn luyện loài này cũng có phần cần kiên nhẫn và phương pháp hơn. Bài viết này xin đưa đến một vài mẹo để “huấn luyện” các chú mèo.
Mèo của bạn thích gì ?
Nếu là một người chủ có trách nhiệm, có tình cảm và có mong muốn huấn luyện được chú mèo cưng của mình thì ắt hẳn bạn phải hiểu rõ điều này. Cũng giống như con người, các loài vật đều có cảm xúc, thói quen và với mỗi cá thể riêng biệt những đặc điểm này không giống nhau. Và hiểu được điều này sẽ giúp cho chúng ta xác định được chú mèo muốn gì, theo đó mà nắm luôn được “thóp” của chúng. Trong quá trình huấn luyện chúng ta có thể lấy đó ra làm “mồi nhử” cho chú mèo. Với một số con mèo, chúng có thể thích đặc biệt một loại đồ ăn nào đó. Hãy luôn tích trữ một số đồ loại này để có thể sử dụng những lúc cần thiết (khi luyện một thói quen nào đó cho chúng). Hoặc nếu chú mèo của bạn thích chơi đồ chơi, nghịch len cùng chủ, hãy tận dụng sự yêu thích này.
Cách đoán biết được sở thích của chúng chỉ có thể gói gọn trong hai từ : quan sát. Hàng ngày chúng làm gì, phản ứng của chúng với các loại đồ ăn, cách chúng đối diện với các trò chơi … hãy quan tâm và quan sát, bạn sẽ nhận ra ngay

Sử dụng phần thưởng
Khi bạn đã phán đoán và xác định được phần thưởng sẽ sử dụng cho chúng, đó cũng là lúc bắt đầu phải suy nghĩ đến chiến thuật làm thế nào sử dụng chúng cho đúng và hiệu quả. Hãy tìm một khoảng thời gian thoải mái cho cả bạn và mèo để bắt đầu việc huấn luyện. Như thế vừa đảm bảo được sự tập trung, thời gian và không gian dành cho công việc này. Ngay khi bắt đầu tung ra “mồi nhử”, bạn hãy đưa ra yêu cầu của mình. Đây là điều quan trọng, đó là tín hiệu để con mèo nhận ra được giữa vật nó muốn và yêu cầu của chủ nhân có liên quan. Lặp đi lặp lại điều đó để tạo thành thói quen. Vào giai đoạn cuối, hãy tung mẩu thức ăn/ đồ chơi ra xa, nhằm kết thúc phần huấn luyện. Hãy nhớ là quá trình này chỉ nên diễn ra trong vòng 5 phút.
Việc sử dụng phần thưởng này chỉ nên bắt đầu đưa mèo vào một thói quen nào đó, nhất định không nên thực hiện vào lúc chúng đang ăn, đang đi … Chúng phải có sự tập trung nhất định. Vào nếu bạn sử dụng một chiếc chuông, một vật gây tiếng động nào đó để làm hiệu lệnh thì chỉ “mồi” đúng vào lúc có âm thanh hiệu lệnh phát ra. Những vật để phát ra hiệu lệnh nên có âm thanh rõ ràng, dễ nhận biết.
Huấn luyện
Việc chọn mục tiêu để huấn luyện chú mèo cũng rất quan trọng. Bạn có thể huấn luyện mèo nhận biết khi đến thời điểm ăn, nhận biết đồ vật … Nếu như là bài tập nhận biết, lấy đồ vật thì hãy dùng những đồ vật có đặc điểm riêng, dễ nhận ra và đặc biệt là không nên to quá hay nhỏ quá. Bạn có thể đưa ra gần cho chúng nhìn kỹ, ngửi trước đồ vật. Nếu sử dụng vật phát tín hiệu (như chuông) để báo hiệu giờ ăn hoặc địa điểm bạn muốn mèo đi tới thì hãy chú ý phát ra những tín hiệu nổi bật và dễ dàng nhất để nhận ra. Những tín hiệu này phải được thực hiện thường xuyên, đều đặn trong thời điểm cố định. Ví dụ giờ ăn là 11h, địa điểm ăn là bếp. Trong trường hợp này, hãy sử dụng mồi nhử là thức ăn yêu thích đặt ở vị trí bếp. Và bạn phải dùng cái chuông để thể hiện rằng mèo chỉ được phép ăn khi cái chuông rung lên với số lần nhất định nào đó (3-4 hồi). Lặp đi lặp lại điều đó hàng ngày, trong những ngày đầu, hãy tập trung thực hiện thật chuẩn quy trình vì đó chính là khoảng thời gian giúp hình thành nên phản xạ cho những lần tiếp theo. Sau này, thời gian của bạn có thể không thật chính xác, nhưng sự chênh lệch mang tính tương đối sẽ không làm ảnh hưởng nhiều. Lúc đó chú mèo của bạn đã hình thành được thói quen. Tuy nhiên về tín hiệu phát ra (âm thanh của chuông, số hồi chuông) thì không được thay đổi bởi đây chính là nhân tố giúp con vật nhận diện được nhiệm vụ.
Chú ý
Có một vài chú ý bạn nên để ý khi thực hiện huấn luyện. Đầu tiên đó là về thời gian, các tín hiệu từ đầu cho đến cuối chỉ nên thực hiện trong vòng 5 phút, sau đó, vật nuôi của bạn sẽ khó có được sự tập trung. Các hành động, tín hiệu của bạn cũng phải dứt khoát, tránh rườm rà và nhất là phải có đặc trưng riêng. Vật nuôi có thể không ghi nhớ được hết toàn bộ mọi thứ bạn muốn truyền đạt, nhưng ấn tượng riêng sẽ là tín hiệu nhắc nhở chúng. Việc sử dụng mồi cũng chỉ nên chút một chút một trong quá trình huấn luyện, vì nếu được nhiều quá thì chú mèo sẽ không có động lực. Nếu việc huấn luyện được thực hiện nhiều lần thì có thể chúng sẽ trở nên chán “mồi”, và việc đổi “mồi” là không nên. Trong quá trình huấn luyện những điều cấm kị với mèo (ví dụ như nhảy lên bàn ăn gia đình, đi vệ sinh bừa bãi) người chủ cần có thái độ kiên quyết và có hình phạt để chúng nhận ra được việc không nên làm. Sau vài lần như thế chúng sẽ quen và chỉ cần ta thể hiện thái độ cũng sẽ giúp chúng hiểu được rằng nên và không nên làm gì.
Kết
Nhìn chung, việc huấn luyện vật nuôi nói chung và những chú mèo nói riêng là một vấn đề rất phức tạp và có nhiều cách để thực hiện. Bài viết đã cung cấp một số mẹo và lưu ý nho nhỏ trong qá trình huấn luyện. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, điều cơ bản nhất và cũng là chìa khóa thành công để có thể huấn luyện được chúng đó chính là sự quan tâm và thấu hiểu từ người chủ.